Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
Chiều 12/01/2025, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tiến hành Phiên họp trực tuyến toàn quốc thứ hai ở cả 4 cấp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp. Phiên họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan. Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới tất cả điểm cầu địa phương ở 4 cấp trên toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La; các đồng chí thành viên ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 06/01/2025, có 50 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai, phát động Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; có 04 địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc) do không còn nhà tạm, nhà dột nát nên đề xuất không ban hành kế hoạch; có 31 địa phương đã tổ chức chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với kinh phí huy động được trên 2.316 tỷ đồng; theo kết quả cập nhật của 27/63 địa phương đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 76.364 căn nhà (trong đó: 42.179 căn nhà đã khánh thành (32.374 căn xây mới, 9.805 căn sửa chữa) và khởi công mới 34.185 căn nhà (26.522 căn xây mới, 7.663 căn sửa chữa)).
Đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Tại tỉnh Sơn La, công tác hỗ trợ làm nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ theo các đề án của Trung ương, kế hoạch của tỉnh và các nguồn lực hỗ trợ của các Bộ, các tỉnh đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở đã làm thay đổi diện mạo về nhà ở của hộ nghèo, cận nghèo để họ có nơi ở ổn định, an cư lập nghiệp vươn lên thoát nghèo. Thực hiện các Chương trình, Đề án hỗ trợ nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La, trong năm 2024 toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ được 1.156 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số kinh phí 50,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước là 15,3 tỷ đồng; kinh phí từ nguồn xã hội hóa là 35,6 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2020 - 2024 toàn tỉnh đã hỗ trợ được 8.878 hộ/căn nhà, với kinh phí 418,8 tỷ đồng.
Các đại biểu dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá thực trạng tình hình triển khai Chương trình tại các bộ, cơ quan và các địa phương; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 sẽ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Chương trình cũng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực, thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 với phương châm chỉ bàn làm, không bàn lùi, địa phương chủ động triển khai và chịu trách nhiệm chính về kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương. Các địa phương khẩn trương phê duyệt kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát; tổ chức giải ngân ngay đối với các nguồn lực được hỗ trợ, huy động; làm việc với các nhà đầu tư đã cam kết hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện; cử cán bộ đầu mối để cập nhật, cung cấp thông tin về kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương; bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm các vi phạm. Các cơ quan trung ương ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện.